Tin tức & Sự kiện

Đại học Lạc Hồng: Thổi bùng phong trào khởi nghiệp trong sinh viên

Khởi động từ tháng 3-2016, cuộc thi “Khởi nghiệp cùng sinh viên Lạc Hồng” lần I-2016 đã kết thúc vòng bán kết vào ngày 12-9. Từ 10 dự án, Ban giám khảo đã chọn được 5 dự án xuất sắc vào vòng chung kết dự kiến diễn ra ngày 9-10 tới. Đằng sau cuộc thi khởi nghiệp lần đầu tiên quy mô toàn trường còn cho thấy sự “chuyển hướng” đáng chú ý ở Trường đại học Lạc Hồng về phương thức đào tạo.

Xung quanh vấn đề trên, Báo Lao động Ðồng Nai đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế Trường đại học Lạc Hồng, Phó ban chỉ đạo cuộc thi.

trang7_190916_2.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế Trường đại học Lạc Hồng

Hỗ trợ sinh viên sớm thành lập doanh nghiệp

- Phóng viên (P.V): Hiện nay phong trào khởi nghiệp đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên cả nước, thầy đánh giá thế nào về tầm quan trọng của các hoạt động khởi nghiệp?

- Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân: Tôi cho rằng, khởi nghiệp không chỉ quan trọng, mà còn mang ý nghĩa quyết định đến sự thành công của cả nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Khởi nghiệp vốn đã có từ lâu, nhưng tại sao bây giờ chúng ta mới phát động? Ðó là vì kinh tế tư nhân là một điểm nhấn của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới. Muốn phát triển kinh tế tư nhân thì phải tạo ra những tế bào kinh tế, chính là những doanh nghiệp mới thành lập. Và những doanh nghiệp này có được từ những dự án khởi nghiệp. 

- P.V: Ðây là năm đầu tiên Ðại học Lạc Hồng tổ chức cuộc thi khởi nghiệp có quy mô toàn trường. Xin thầy cho biết ý tưởng dẫn đến việc hình thành cuộc thi và đôi nét về quá trình tổ chức?

- Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân: Những năm trước, trường cũng đã có các cuộc thi, nhưng chưa đủ tầm để giúp các bạn hình thành những dự án khởi nghiệp thực sự. Chúng tôi lấy mốc năm nay là năm đầu tiên vì cả hệ thống chúng tôi vận hành theo hướng hỗ trợ sinh viên hình thành doanh nghiệp, chứ không chỉ tạo ra phong trào. Thực ra ý tưởng đã được hình thành từ khoảng tháng 7-2015, khi thầy Hiệu trưởng Ðỗ Hữu Tài đặt ra yêu cầu thay đổi phương thức đào tạo vì nhiều sinh viên khó xin việc sau khi ra trường. Chúng tôi cũng thừa nhận rằng, sinh viên mình đào tạo ra chủ yếu là để đi làm thuê, lương cao thì tốt, lương thấp thì khổ, rất uổng cho quá trình đào tạo. Do đó chúng tôi quyết định “chuyển” qua một hướng khác là đào tạo các em ra làm chủ. Chính vì vậy, chúng tôi kết nối với chuyện khởi sự doanh nghiệp, lên 2 kế hoạch song song là đào tạo các em và tổ chức cuộc thi.

Về việc đào tạo, từ tháng 10 năm ngoái đến nay, chúng tôi đã tổ chức 10 lớp khởi sự doanh nghiệp cho sinh viên toàn trường, với số lượng đào tạo khoảng 500 em. Chúng tôi đã kêu gọi được dự án tài trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà điều hành trực tiếp tại Việt Nam là Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI). Nhờ vậy, nhà trường và sinh viên không phải bỏ chi phí, các em sau khi học xong lại được cấp giấy chứng nhận quốc tế. Mục tiêu trong đào tạo các lớp khởi sự doanh nghiệp của chúng tôi là phải làm sao để trong tất cả các ngành học đều có được cái tín hiệu thị trường, làm việc theo tín hiệu thị trường, ăn, ngủ, học theo thị trường. Có như vậy, mới giúp sinh viên có cái máu kinh doanh trong quá trình học, từ đó có ý tưởng để triển khai kinh doanh.

Ðối với cuộc thi, ngay từ đầu chúng tôi xác định làm sao để sinh viên Lạc Hồng đủ sức thi giải quốc gia về khởi nghiệp. Từ tháng 3-2016, chúng tôi đã triển khai các nội dung cuộc thi để sinh viên đi tìm ý tưởng, đăng ký. Qua 2 vòng, chúng tôi hỗ trợ các em triển khai ý tưởng thành kế hoạch trên 1, rồi 3 trang giấy. Từ đó, chúng tôi đánh giá để chọn ra 10 dự án tốt nhất, hỗ trợ mỗi dự án kinh phí 1 triệu đồng và đào tạo cho mỗi dự án 5 chuyên đề, hướng dẫn các em viết lách, tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề như sở hữu trí tuệ, thủ tục lập doanh nghiệp, giúp các em giao lưu với những người có kinh nghiệm trong điều hành doanh nghiệp, tiếp cận các hiệp hội… Từ đó chúng tôi mới tổ chức buổi thi bán kết vừa rồi. Chúng tôi sẽ mời VCCI và Báo Diễn đàn doanh nghiệp tiếp tục đào tạo các em cho vòng thi chung kết sắp tới.

Điều quan trọng nhất, là làm sao để sinh viên hình thành doanh nghiệp càng nhanh càng tốt. Dự án không phải chỉ để thi thố mà khi cuộc thi xong các em phải hình thành doanh nghiệp, tốt nhất là các em thành lập doanh nghiệp ngay trong quá trình thi. 

(Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân)

Phải “nhúng” sinh viên vào thực tế

- P.V: Sẽ còn vòng chung kết nữa nhưng thầy đánh giá như thế nào về kết quả cuộc thi đến thời điểm này?

- Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân: Tôi cho rằng cuộc thi đang có thành công rất lớn. Ở vòng đầu tiên, chúng tôi nhận được 31 ý tưởng của gần 100 sinh viên. Trong đó, nhiều dự án xây dựng khá hoàn chỉnh và mang tính khả thi cao. Tuy nhiên, chính trong quá trình thi, các bạn sinh viên không chỉ tiến bộ về kỹ năng xây dựng dự án mà quan trọng là hoàn thiện cả về bản thân. Ban đầu, các bạn rất máu lửa, nhưng khi triển khai viết thì lại không được. Lý do là ý tưởng rất nhiều, nhưng lại thiếu thực tế. Bài học rút ra là phải làm sao để “nhúng” các bạn sinh viên vào thực tế, bắt các bạn phải đi điều tra thị trường, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh. Tự nhiên “công lực” và sự tự tin của các bạn sẽ tăng lên hẳn. Thứ hai, do tiếp cận với bên ngoài nhiều nên khả năng giao tiếp của các bạn trở nên rất thoải mái, tự tin. Thứ ba, khi tiếp cận thực tế cũng giúp các bạn ổn định được phần lý thuyết đã học, kiểm chứng, đúc kết lại để ứng dụng trong thực tế.

Trong quá trình các bạn làm dự án và đưa lên mạng, Ban tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia cũng đã theo dõi và cho biết sẽ chọn 3 dự án của Lạc Hồng vào thẳng vòng trong. Ðây là tín hiệu rất đáng mừng trong quá trình điều hành cuộc thi và phần nào  thấy được chất lượng trong những điều chúng tôi đang làm.

trang7_190916_1.jpg

Sinh viên đang trình bày dự án tại vòng thi bán kết “Khởi nghiệp cùng sinh viên Lạc Hồng”

- P.V: Trong thời gian tới, nhà trường có chương trình, kế hoạch gì để tiếp tục thúc đẩy phong trào khởi nghiệp?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân: Tương lai của chuyện khởi nghiệp là mãi mãi, vì chúng ta có thể nhìn thấy sự phát triển của đất nước thông qua hệ thống doanh nghiệp. Chính vì vậy, mỗi năm chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chạy song song 2 hệ thống là các lớp đào tạo và cuộc thi khởi nghiệp. Từ đó, giúp các em có trải nghiệm và các nơi nhìn thấy yêu cầu cấp thiết là phải đầu tư và hỗ trợ các em. Chúng tôi sẽ tăng cường kết nối với VCCI, các hiệp hội, doanh nghiệp. Từ các yếu tố đó, chúng tôi mong muốn làm bùng lên một phong trào khởi nghiệp kéo dài, bền vững.

Khi kết thúc cuộc thi năm nay, chúng tôi sẽ hình thành một Vườn ươm doanh nghiệp, tạo ra một không gian khởi nghiệp ngay trong trường. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị cơ sở vật chất để các em sinh viên khởi nghiệp có thể sử dụng. Khi thành lập được một doanh nghiệp thì mới là sản phẩm, chứ chưa thành lập doanh nghiệp là chúng tôi vẫn chưa thành công.

Ngoài ra, chúng tôi đang có kế hoạch đi đến các huyện để giúp phát triển khởi nghiệp từ thanh niên. Hiện nay, chúng tôi đã kết nối bước đầu với huyện Vĩnh Cửu và sẽ tiếp tục làm việc với các huyện khác. Hiện nay, tỉnh Ðồng Nai cũng đã bắt đầu tổ chức phong trào khởi nghiệp riêng của tỉnh. Sở Kế hoạch - đầu tư đã giao cho Tỉnh đoàn tổ chức, đồng thời kết nối với Ðại học Lạc Hồng. Ðây là những thông tin rất tốt lành cho hệ thống khởi nghiệp, trong đó Trường Lạc Hồng tự tin là đơn vị đi đầu trong việc gây dựng hệ thống khởi nghiệp.

- P.V: Xin cảm ơn thầy.

Tìm nguồn vốn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, ngoài khó khăn lớn nhất là làm sao giúp sinh viên đi từ ý tưởng khởi nghiệp đến việc thành lập doanh nghiệp, trở ngại khác là vốn cho quá trình khởi nghiệp, vì sinh viên không có nguồn tài chính dồi dào. “Chúng tôi đang sử dụng các mối quan hệ để kết nối với các quỹ, ngân hàng nhằm có nguồn vốn hỗ trợ sinh viên. Thông tin đáng mừng là Hội Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai đã đồng ý hỗ trợ cho vay 200 triệu đồng đối với mỗi dự án đạt yêu cầu. Nhờ đó, các khó khăn đã được hạn chế rất nhiều, tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức cuộc thi”, Tiến sĩ Tân cho biết.

Ðắc Nhân (Báo Lao động Đồng Nai)

Khoa Quản Trị KTQT

khởi nghiệp, sinh viên, Lạc Hồng, phong trào


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        13,891,636       17/682