Dưới mái trường

Thay đổi tư duy và không ngừng tìm kiếm cơ hội

   Nhà báo: Đặng Công Nghĩa - Báo Đồng Nai

                                              Cựu sinh viên Khoa Đông phương học (Khóa 2005-2010)

Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tôi lớn lên và trưởng thành như bao bạn bè khác với ngày hai buổi đến trường và những buổi ra đồng phụ giúp cha mẹ làm ruộng, cắt cỏ nuôi cá.

Cha tôi là một người có “kỷ luật thép”, ông giao việc là con cái phải hoàn thành bằng được. Tôi cứ nhớ mãi những ngày mùa đông miền Bắc lạnh có khi dưới 10 độ C, cỏ ngoài đồng không mọc nổi nhưng cha tôi vẫn bắt anh em tôi mỗi ngày phải đi cắt một bao cỏ non cho cá ăn. Có những ngày mùa đông lạnh khủng khiếp, mặt tôi tím tái, thế nhưng tôi vẫn cầm bao tải rong ruổi khắp cánh đồng làng mình lại sang làng bên để cắt cho bằng được cỏ về cho cá ăn.

Thay đổi tư duy và không ngừng tìm kiếm cơ hội

Nhà báo Công Nghĩa nhận giải báo chí Quốc gia năm 2016

Lớp lớp người trẻ làng tôi, trong đó có tôi, ai nấy đều tự “nuôi dưỡng” một ước mơ cháy bỏng là thi đậu vào một trường đại học công lập sau khi học hết lớp 12. Việc thi đậu đại học công lập đôi khi là một áp lực quá lớn. Và với tôi ước mơ ấy không dễ dàng thực hiện. Tôi thi đại học lần một, lần hai, rồi lần ba đều bất thành. Mỗi lần thi trượt đại học là một lần tôi cảm thấy xấu hổ với cha mẹ, với bạn bè.

Sau mỗi lần trượt đại học tôi lại “trốn” mọi người để bớ áp lực cho bản thân. Có lần mẹ đưa tôi lên Hà Nội lo cho tôi ôn thi cả gần năm trời ở Trường đại học khoa học - xã hội và nhân văn Hà Nội, có lần tôi tự lên Hà Nội vừa làm vừa ôn thi để có tiền vào Nam thi đại học. Tôi đã làm bất cứ việc gì miễn là có tiền để đi thi, đó là đi vét cống thoát nước, nhặt ve chai, đánh giày. Có lần tôi theo mấy đứa em ít tuổi hơn đi đánh giày ở gần Hồ Gươm rồi bị công an “gom” vào Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Dầu (huyện Đông Anh, Hà Nội) cả nửa tháng mà không được tắm giặt.

Thay đổi tư duy và không ngừng tìm kiếm cơ hội

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoà Hiệp tặng bằng đột xuất

cho Nhà báo Đặng Công Nghĩa tại Giải báo chí Quốc gia năm 2016.

Vì ước mơ cháy bỏng là phải thi vào đại học mà tôi đã quyết ở lại Hà Nội đi làm suốt cả cái tết năm 2005 để có tiền ôn thi và vào TP.Hồ Chi Minh thi. Tôi nhớ mãi cảnh đêm 30 tết năm 2005 trời lạnh như cắt, tôi một mình trên chiếc xe đạp cũ chạy qua rất nhiều con đường hẻm thuộc phố Khâm Thiên nhặt chai nhựa, giấy báo cũ để mang đi bán kiếm tiền. Tôi đã nhìn vào nhà người ta lúc giao thừa sum họp, và tôi đã khóc vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh em mình. Nhưng đó cũng là lúc tôi cảm thấy mình cần cố gắng nhiều hơn nữa. Sau cái tết năm đó tôi trở về quê và quyết định “tự kỷ” dưới gian nhà bếp để ôn thi, có khi cả tuần không nhó mặt ra ngoài ngõ.

Cha tôi là người hay “càm ràm” chuyện tôi quyết tâm theo đuổi đến cùng ước mơ vào đại học nhưng cha lại chính là người âm thầm chuẩn bị cho tôi các điều kiện có thể. Đêm đêm cha lại thức dậy đi chậm chậm từng bước xuống bếp xem tôi còn thức hay đã ngủ. Nhiều đêm khuya đang tập trung ôn bài, chợt nhìn lên, tôi thấy cha đứng trước mặt tay cầm đèn pin mà tôi đứng tim. Sáng nào cha cũng dậy sớm nấu cơm cho tôi ăn, càng gần tới ngày thi cha tôi lại càng chăm sóc tôi chu đáo hơn. Có nhiều ngày vì thấy tôi không chịu ra khỏi gian bếp, cha tôi “lấy cớ” kêu tôi mang đồ ăn cho bà ngoại ở xóm trên, hoặc đi mua giúp cái này, cái kia để tôi có dịp bước ra khỏi cái gian bếp với đống sách vở.

Dù rất cố gắng nhưng mùa thi năm 2005 là lần thứ 3 tôi tiếp tục thất bại với mục tiêu vào được đại học công lập. Không khí căng thẳng bao phủ gia đình vì chuyện lần thứ 3 tôi “thất thủ” trước cánh cổng trường đại học công lập. Tôi không dám bước lên nhà trên vì sợ cha tôi la, tới bữa tôi cũng chỉ cắm gằm mặt ăn vội vã rồi lại bỏ xuống bếp, hoặc chạy ra đồng làm việc gì đó để cha tôi cảm thấy tôi còn có ích. Và tôi nghĩ mình cần có một quyết định khác, tôi âm thầm tìm hiểu, rồi giấu cha nộp giấy xác nhận điểm của Trường đại học khoa học – xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) với 18 điểm tròn vào Khoa Đông phương học, Trường đại học Lạc Hồng ở tận Đồng Nai để xét tuyển tìm cơ hội mới.

Khi Trường đại học Lạc Hồng gửi giấy báo nhập học tôi không mấy vui nhưng quyết tâm sẽ vào đi học, còn cha tôi thì phản đối kịch liệt đúng như tôi dự đoán. Áp lực không chỉ có cha tôi, hàng xóm và bạn bè cũng có người chê bôi vì tôi học đại học dân lập tốn tiền và khó kiếm việc làm. Tôi vẫn nhớ câu nói của cha: “Nhà có giàu có gì đâu mà đi học trường dân lập”. Cha nói thế thôi chứ tôi đoán có thể cha đang cố “thử” quyết tâm của tôi cao tới mức nào. Nếu tôi quyết tâm đi học thì dù có nghèo cha tôi cũng ráng lo được. Sau một tuần tôi thuyết phục, và thêm nhiều lời tác động của các bác hàng xóm có con vào Nam học đại học đã thành đạt cả, cuối cùng cha đã quyết định cho tôi vào học tại Trường đại học Lạc Hồng.

Ngày tôi bước lên xe khách vượt hành trình hơn một ngàn cây số vào Nam học đại học tại Trường đại học Lạc Hồng mẹ tôi là người đã khóc rất nhiều, nhưng mẹ cũng yên tâm một phần, vì dẫu sao tôi cũng đã vào được đại học sau mấy năm trời mẹ tôi âm thầm đồng hành đeo đuổi ước mơ của tôi. Ngày đi cha tôi giao hẹn: “Mỗi tháng tôi chỉ chu cấp cho anh 1 triệu đồng, kể cả học phí, thiếu thì tự lo”. Tôi là người “lì đòn” và có “máu liều” nên dù có 1 triệu của cha cho mỗi tháng hay không thì tôi quyết là sẽ đi. Ở thời điểm 2005, 1 triệu đồng chỉ mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thực tế của một sinh viên.

Thay đổi tư duy và không ngừng tìm kiếm cơ hội

Tác nghiệp tại sự kiện Robocon châu Á ở Tokyo Nhật Bản năm 2017

Thời gian đầu vào học, mỗi ngày tôi đạp xe cả chục cây số cả đi lẫn về từ nhà trọ ở phường Trảng Dài lên tới trường ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa). Có hôm không còn tiền ăn thì vào chùa Trúc Thọ ở bên Cù Lao ăn cơm chay, rồi ngủ trưa ở chùa, chiều được thầy chùa dạy chữ, sau đó trở về phòng trọ. Có hôm được mấy anh ở cùng phòng trọ rủ đi làm sơn nước, hôm được rủ đi phục vụ tiệc ở nhà hàng để có thêm tiền.

Tôi học hết năm thứ nhất thì em gái ngoài quê thi đại học cũng bất thành. Cha tôi lại thêm một lần “thử thách” khi kêu em gái tôi nghỉ học để đi làm. Nghe vậy tôi quyết tâm ráng thêm chút nữa, thuyết phục cha cho em vào học cùng tại Trường đại học Lạc Hồng với mình. Hai anh em tôi cứ đồng hành vượt qua hết khó khăn này lại tới khó khăn khác cho tới ngày ra trường. Ngày nào em không đi học thì đi làm thêm để có tiền trang trải học hành cùng với anh. Tôi vẫn còn ám ảnh khi có ngày hai anh em không còn nổi 1 ngàn đồng để mua mì gói, phải chạy sang quán tạp hóa đối diện nhà trọ mua thiếu. Chủ nhật nếu có tiền thì mới dám ăn thêm một bữa sáng nhưng chỉ là mua một hộp cơm sườn nướng thơm phức chia làm đôi, anh một nửa, em một nửa.

Học năm thứ 2 tôi tình cờ quen một người bạn Đài Loan tên là Hồ Kiến Dân, ông đã tạo điều kiện cho tôi có việc làm thêm. Tôi và ông Dân có một “giao kèo”, ông Dân dạy tôi nói Tiếng Hoa, còn tôi dạy ông Dân nói Tiếng Việt. Tôi được ông nhận vào làm Trưởng phòng nhân sự Công ty Leader Việt Nam (KCN Hố Nai) và ông dạy cho rất nhiều kỹ năng quản lý, chăm sóc khách hàng, làm báo giá sản phẩm...

Khi còn là học sinh phổ thông tôi có một đam mê, đó là viết báo cộng tác với báo đài. Vào học tại Trường đại học Lạc Hồng dù bận rộn học tập và còn phải lo kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng thi thoảng tôi vẫn viết bài, chụp ảnh cộng tác với Báo Đồng Nai. Học hết năm ba tôi xin về Báo Đồng Nai thực tập, tới khi tốt nghiệp năm 2010 thì được nhận ngay về báo làm việc cho tới ngày hôm nay. Đây cũng chính là “ngã rẽ” quan trọng nhất của cuộc đời tôi.

Dù không phải là một người được đào tạo về báo chí chính thống nhưng những kiến thức cơ bản ở nhiều lĩnh vực tôi tiếp thu được từ những năm học ở Trường đại học Lạc Hồng, sự cần mẫn học hỏi đã cho tôi những vốn quý cùng sự tự tin cho công việc làm báo sau này.

Thay đổi tư duy và không ngừng tìm kiếm cơ hội

Cùng đồng nghiệp tại Hongkong Trung Quốc năm 2012

Tôi cảm thấy mình là người may mắn nhưng cũng thấy tự hào vì là người mang về cho Báo Đồng Nai giải B giải Báo chí Quốc gia năm 2016, giải nhất Cuộc thi sản phẩm truyền thông khoa học công nghệ tỉnh Đồng Nai, cùng với đồng nghiệp đoạt giải B giải báo chí Toàn quốc về Xây dựng Đảng năm 2017, và nhiều giải thưởng ở các cuộc thi báo chí khác. Và tới nay tôi đã có 15 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen vì thành tích ở nhiều lĩnh vực. Những thành tích tôi được nhận chính là nhờ sự hỗ trợ, động viên của gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và có cả những thầy cô ở trường đại học mà tôi đã học luôn theo dõi và cổ vũ hết mình cho tôi.

Sau 12 năm “Nam tiến”, trong đó có hơn 7 năm công tác tại Báo Đồng Nai, dù còn nhiều điều phải cố gắng hoàn thiện mình hơn, nhưng tôi cảm thấy mình đã có một quyết định đúng đắn khi đã chọn học tại Trường đại học Lạc Hồng. Ngôi trường nay không chỉ cho tôi kiến thức mà còn cho tôi nhiều cơ hội được tiếp cận với việc làm. Tôi đã tự hỏi, nếu hồi đó tôi không vào học tại Trường đại học Lạc Hồng thì liệu tôi có được như ngày hôm nay không? Thời của tôi, nhiều bạn bè ngoài quê dù học giỏi, đậu đại học công lập, thậm chí đại học tốp trên vẫn khó tìm được việc làm.

Tôi đã xóa bỏ được “định kiến” của nhiều người là trường đại học dân lập là không có chất lượng, khó xin việc làm … Thực tế không chỉ có tôi đã có công việc ổn định, mà em ruột, em họ của tôi “tiếp bước” vào học tại Trường đại học Lạc Hồng tới nay đều có việc làm ổn định. Em gái tôi hiện đã là chủ một cơ sở kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động. Người em họ đang học năm 3 Trường đại học Hàng hải Hải Phòng, nhận thấy không hợp đã nghe lời tôi đã “bỏ học” để vào học tại Khoa Tài chính - ngân hàng Trường đại học Lạc Hồng, và tới nay đã có việc làm ở một ngân hàng tại huyện Long Thành. Ngoài ra tôi còn có 5 người em họ khác tốt nghiệp Trường đại học Lạc Hồng tới nay đều đã có việc làm ổn định ở các ngân hàng tại TP.Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh. Đó là chưa kể tới những người em cùng quê với tôi cũng vào đây học.

Tôi muốn nói nhiều rất nhiều lời cảm ơn tới cha mẹ mình, những người đã tạo áp lực và cũng là tạo động lực cho tôi có ngày hôm nay. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn thầy cô, bạn bà ở trường đã giúp tôi có kiến thức, sự tự tin để tiến về phía trước. Tôi cảm ơn NGND-TS Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng đã cho tôi có một ngôi trường để lập nghiệp. Và có một người tôi không thể quên, người đã giúp tôi thay đổi tư duy để trở nên mạnh mẽ hơn, đó là thầy Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng thường trực nhà trường, người đã động viên tôi những lúc khó khăn nhất. Tôi sẽ không thể nào quên lời thầy dặn “Sống là phải mạnh mẽ, mình không tự cứu mình thì không ai cứu mình cả. Chỉ có một con đường là em phải tiến về phía trước”.

Điều tôi rút ra được trên chặng đường 12 năm “Nam tiến” và chặng đường còn chờ ở phía trước, đó là: “Đừng bỏ cuộc, đừng sợ thay đổi những gì mọi người đang định kiến và đừng bao giờ ngưng tìm kiếm cơ hội cho bản thân”.

 

Đ.C.N

Cựu SV, thành đạt, Đặng Công Nghĩa


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        10,352,851       1/611