Tiêu điểm

Giáo trình Đại học - Đừng để sinh viên phải học những điều đã cũ

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn nhân lực Việt Nam nói chung, nguồn nhân lực được đào tạo từ các trường ĐH Việt Nam nói riêng bị “mất điểm” trong mắt các DN, nhà tuyển dụng chính là việc họ chỉ được học những điều đã cũ trong các giáo trình. Dù không thể “vơ đũa cả nắm”, đánh đồng chất lượng đào tạo các trường ĐH với nhau, nhưng thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp phải thực hiện khâu đào tạo lại người lao động khi mới tuyển dụng do những người này không cập nhật được những yêu cầu về công nghệ, sản xuất của doanh nghiệp.

Giáo trình lạc hậu – có phải các trường không nhận ra?

Thực tế, các trường ĐH đều nhận thấy sự lạc hậu về mặt tri thức trong các giáo trình hiện đang sử dụng, tuy nhiên, việc thay đổi không phải là điều có thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một mặt, việc biên soạn chương trình cần phải bám sát chương trình đào tạo, do đó, nếu chương trình không có sự cập nhật kịp thời thì việc bổ sung, chỉnh sửa giáo trình cũng rất khó thực hiện, chưa kể đến quá trình biên soạn, chỉnh sửa giáo trình phải trải qua khá nhiều khâu, thủ tục rườm rà. Vì vậy, thay vì mệt mỏi chờ đợi, các trường thường lựa chọn phương án có sao dùng vậy.

 

Giáo trình Đại học - Đừng để sinh viên phải học những điều đã cũ

 

Sinh viên khoa Cơ điện – Điện tử trong một giờ thực hành trên các thiết bị hiện đại

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục, thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giáo trình không được cập nhật nằm ở sự hạn chế trong năng lực NCKH và ngoại ngữ của giảng viên. Do đó, dù giáo trình mới được xuất bản, nhưng không đảm bảo chất lượng, không có tính mới về nội dung, không phản ánh được các yêu cầu mới của sự phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu công nghệ… do không tiếp cận được các thông tin từ bên ngoài thì không thể đưa vào sử dụng được.

Bên cạnh sự yếu kém về năng lực nghiên cứu và ngoại ngữ của giảng viên, một nguyên nhân lớn khác dẫn đến tình trạng giáo trình ở các cơ sở GHĐH lạc hậu, đó là sự thờ ơ của các DN trong việc đồng hành cùng các cơ sở GDĐH trong xây dựng chương trình, giáo trình. Công nghệ, yêu cầu tri thức mới nằm ở các DN, trong khi họ không mặn mà trong hợp tác xây dựng chương trình và giáo trình. Do đó, xuất hiện tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong đào tạo nhân lực như hiện nay.

Cần chủ động tìm lối đi riêng cho mình

Trước tình trạng tách biệt trong đào tạo và sử dụng lao động giữa nhà trường và DN, nhiều cơ sở GDĐH đã chủ động tìm kiếm lối đi cho mình. Theo quan điểm của TS. Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng, thì tự nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên cũng như chủ động tìm kiếm đối tác trong xây dựng giáo trình là một trong những giải pháp hữu hiệu được ĐH Lạc Hồng lựa chọn nhằm khắc phục tình trạng lạc hậu về mặt tri thức trong các giáo trình hiện nay: “Những năm qua, Trường ĐH Lạc Hồng đã kiên trì, chủ động tìm kiếm các DN, nhất là các DN nước ngoài tại Việt Nam, mời họ tham gia vào quá trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, giáo trình. Mấu chốt nằm ở chỗ, phải làm cho các DN thấy được lợi ích của họ trong việc bắt tay với Trường trong xây dựng, biên soạn giáo trình nói riêng và trong các khâu khác để đào tạo nguồn nhân lực nói chung. Việc cập nhật các yêu cầu mới trong sản xuất, kinh doanh, công nghệ từ các DN có thể thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài các cách làm truyền thống là mời chuyên gia đến trường để giảng dạy, thẩm định, đánh giá giáo trình, đưa sinh viên vào học tập tại các DN, chúng tôi còn thực hiện các hoạt động chuyển giao công nghệ cho các DN. Nếu sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu của họ thì có nghĩa là chương trình, giáo trình mình đang sử dụng vẫn đáp ứng yêu cầu. Trường ĐH là phải sản sinh ra tri thức mới, do đó, đừng bắt sinh viên phải học những điều đã cũ” – TS Quỳnh phân tích.

Giáo trình Đại học - Đừng để sinh viên phải học những điều đã cũ

 

Nâng cao năng lực NCKH là yêu cầu bắt buộc đối với GV tại ĐH Lạc Hồng

Ngoài ra, bản thân các trường phải tự nâng cao năng lực NCKH và ngoại ngữ cho giảng viên, chủ động hợp tác trong đào tạo, trao đổi giảng viên với các cơ sở GDĐH nước ngoài, đặc biệt là các nước có nền KHCN tiên tiến. Đây có thể coi là bước đi cần thiết và cần phải làm thường xuyên để theo kịp yêu cầu của xã hội. “Nhờ chủ động trong hợp tác, đội ngũ giảng viên Nhà trường đã được các chuyên gia giỏi của Nhật Bản đào tạo và hướng dẫn xây dựng giáo trình, bài giảng và các kỹ năng giảng dạy 5S/ an toàn để dạy cho sinh viên. Nhà trường cũng đầu tư xây dựng phim trường để giảng viên thực hiện các bài giảng online, giúp sinh viên có thể học mọi lúc, mọi nơi” - TS Quỳnh tiết lộ thêm.

Những giờ học trực quan sinh động của sinh viên LHU

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, Trường Đại học Lạc Hồng đã ký kết và đang hợp tác với hơn 500 DN trong đào tạo và chuyển giao công nghệ. Việc biên soạn giáo trình luôn có sự đóng góp của các chuyên gia từ các DN, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như CP Group, Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội doanh nhân trẻ ... Hợp tác với các trường ĐH lớn ở Đài Loan, Trung Quốc, Phần Lan… trong đào tạo và trao đổi giảng viên. Nhà trường cũng rất khuyến khích và có nhiều chính sách đãi ngộ tốt cho giảng viên trong NCKH.

 

Với những lợi thế về cơ sở vật chất, đặc biệt là lợi thế về hạ tầng CNTT, Nhà trường đã và đang số hóa các tài liệu, giáo trình hiện có và cả giáo trình sắp ban hành. Theo TS Quỳnh, điều này, một mặt giúp mở rộng phạm vi, tạo sự thuận lợi trong sử dụng giáo trình, sinh viên của trường chỉ cần đăng nhập là có thể sử dụng được. Mặt khác, giúp tiết kiệm các chi phí, nguồn lực của xã hội.

Media theo V.Q Giáo dục

Giáo trình Đại học - Đừng để sinh viên phải học những điều đã cũ


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        29,728,224       17/729