Tin tức

20 năm Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam

Liên tục trong 20 năm qua, kể từ năm 1995, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... thực hiện Ðề án tổ chức Giải thưởng Khoa học Công nghệ VIFOTEC (nay là Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam). Giải thưởng được trao cho các nhà khoa học và công nghệ, tác giả của những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội.

Ts Nguyễn Vũ Quỳnh - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học của Trường Đại học Lạc Hồng - Người mặc áo vest đen tham gia tọa đàm cùng với các nhà khoa học trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập giải thưởng

Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Nhà nước như: sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí và tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Trong 20 năm qua có gần 2.200 công trình tham dự giải và gần 700 công trình đoạt giải. Các công trình đoạt giải tiếp tục được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Giải thưởng đã có tiếng vang, có uy tín lớn trong giới khoa học, trong các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và trong cả nước. Mặc dù tiền thưởng dành cho các công trình đoạt giải còn khiêm tốn nhưng các nhà khoa học vẫn hăng hái tham gia vì đây thật sự là sân chơi bổ ích; động viên, khuyến khích, tôn vinh các nhà sáng tạo trong cả nước.

Hằng năm lễ tổng kết và trao giải đều được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội. Từ năm 2001 đến nay, mỗi năm Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xét tặng Giải WIPO cho một công trình xuất sắc nhất, cho một tác giả nữ xuất sắc nhất và cho tác giả trẻ xuất sắc nhất.

Năm 2014 Ban Tổ chức Giải thưởng trao giải cho 40 công trình thuộc sáu lĩnh vực bao gồm: bốn giải nhất, bảy giải nhì, 11 giải ba, 18 giải khuyến khích. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 12 cá nhân là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của các công trình đoạt giải cao.

Thành công của 20 năm tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam có sự đóng góp tích cực, nhiệt tình của các bộ, ngành, các địa phương, các tập đoàn kinh tế.

Trong các đơn vị tích cực tham gia và nhận được nhiều giải thưởng phải kể đến Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng tàu (BUSADCO), Công ty cổ phần Công nghệ sinh học - Phân bón (FITOHOOCMON), các đơn vị này đã đoạt được các giải: nhất, nhì, ba, khuyến khích và cả giải WIPO (giải WIPO cho công trình xuất sắc nhất và giải WIPO cho doanh nghiệp áp dụng xuất sắc hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh). Đại học Lạc Hồng mới chỉ 18 năm thành lập nhưng đã giành được rất nhiều giải thưởng danh giá quốc gia và quốc tế như vô địch Robocon, Vô địch xe sinh thái tiết kiệm nhiên liệu, giải nhì, ba, khuyến khích Vifotec, gải thưởng WIPO ... và rất nhiều giải thưởng danh giá khác.

Nhóm tác giả Đại học Lạc Hồng đạt cúp vàng, giải nhì và giải khuyến khích trong năm 2014

Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Ðể có kết quả đó, lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương ngày càng quan tâm đến hoạt động nghiên cứu và ứng dụng; đến hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ cũng như các phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Công tác tổ chức giải ngày càng có uy tín, được đông đảo các nhà khoa học, quần chúng nhân dân tham gia và được xã hội đánh giá cao; là sân chơi công bằng, minh bạch, động viên và tôn vinh kịp thời đối với các nhà khoa học, công nghệ và các nhà sáng tạo trong cả nước.

Thực tế cho thấy, trong 20 năm tổ chức giải thưởng, một số hạn chế, bất cập về cơ chế chính sách vẫn còn làm ảnh hưởng tới chất lượng giải thưởng. Các cấp có thẩm quyền cần có chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sáng tạo; cần hình thành hệ thống các dịch vụ khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ, làm cầu nối giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm khoa học vào cuộc sống. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước tạo ra, thay thế cho sản phẩm nhập khẩu, giá thành lại rẻ hơn, thời gian nhanh hơn và chất lượng tương đương. Bên cạnh đó, cần có chính sách trích thưởng từ lợi nhuận đem lại của các công trình, giải pháp để thưởng cho các tác giả đã tạo ra và tổ chức ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ vào đời sống; có chính sách giúp các nhà khoa học công nghệ làm giàu bằng chính sản phẩm của mình. Nhà nước cho vay vốn từ Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ để áp dụng rộng rãi các công trình nghiên cứu đã thành công, nhất là những công trình đoạt giải thưởng, có hiệu quả kinh tế cao, lại do các doanh nghiệp tự đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng.

Trong 20 năm qua, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã trở thành động lực động viên, khuyến khích các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước hăng say đóng góp trí tuệ của mình cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Nghiên cứu khoa học

Vifotec


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        1,244,701       1/744