Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh "Kỳ 7 - Tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới"

“Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông một kiếp người”.

Đó là một trong những vần thơ hay nhất, xúc động nhất mà nhà thơ Tố Hữu đã dành tặng để ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc vì độc lập tự do, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, Người luôn dành tất cả tình yêu bao la cho đồng bào, đồng chí…Một trong những vấn đề mà Hồ chủ tịch đặc biệt quan tâm đó chính là bình đẳng giới.

Lúc sinh thời, Người đã từng khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”.

Nhận rõ vai trò của phụ nữ thế giới nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng, Người nhận định rằng: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Phụ nữ chiếm một nửa nhân loại, nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội, theo Người, “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng "; “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa". 

Vì sao Bác lại khẳng định như vậy?

Hơn ai hết, Bác là người hiểu rõ rằng: Trong xã hội, người phụ nữ là người bị áp bức, chịu đau khổ và thiệt thòi nhiều nhất. Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ không được coi trọng - “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”.

Trong khi đó, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng, sẵn sàng đi với cách mạng. Người phụ nữ còn có chức năng đặc biệt: tái sản xuất sức lao động cho xã hội, thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, có vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của gia đình. Do đó, Người đề ra nhiệm vụ cho Đảng phải chăm lo giải phóng phụ nữ.


Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến (Ảnh tư liệu)

Trong hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng không chỉ giành lại độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho nông dân nghèo, các sản nghiệp lớn cho công nhân, các quyền dân chủ tự do cho nhân dân, mà còn nhằm: "thực hiện nam nữ bình quyền".

Mục tiêu này đã được Người đưa vào Chương trình của Mặt trận Việt minh. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần tuyên bố với thế giới và quốc dân rằng: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân.

Tư tưởng nam nữ bình quyền của Người còn được ghi trong luận cương của Đảng, được thể chế hoá sớm nhất trong điều 9 Hiến pháp năm 1946. Từ đó, quyền bình đẳng nam nữ được công bố và thừa nhận qua các văn bản quan trọng, Hiến pháp, pháp luật về hôn nhân và gia đình, các chỉ thị, chính sách… đối với lao động nữ. Tư tưởng của Bác phù hợp với Tuyên bố của thế giới về quyền của con người: mọi dân tộc trên thế giới đều có quyền hưởng tự do và bình đẳng.

Đánh giá cao vai trò của phụ nữ khi nhìn nhận họ là một lực lượng lao động đông đảo của xã hội, Người còn thấy rõ khả năng làm việc không thua kém nam giới của phụ nữ. Người nêu những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định... Vì vậy, theo Người "phải kính trọng phụ nữ"; "phải thật sự bảo đảm quyền lợi của phụ nữ". Người còn nhấn mạnh:"để xây dựng được chủ nghĩa xã hội thì phải thực sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ"; và Người còn chỉ rõ rằng: "chúng ta làm cách mạng để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau".


Chân dung nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định (Ảnh tư liệu)

Quan tâm tới vị trí của phụ nữ trong xã hội, đồng thời chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng, một trong những nhiệm vụ của phụ nữ dưới chế độ ta là phải "hăng hái tham gia chính quyền. Người còn nói, nếu cán bộ lãnh đạo là nữ mà ít, đấy cũng là một thiếu sót của Đảng. Về nguyên nhân của tình trạng phụ nữ ít được tham gia lãnh đạo quản lý, theo chủ tịch Hồ Chí Minh đó là vì "Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi, như vậy là rất sai".

Với cương vị của một Chủ tịch nước, trong những lo lắng quan tâm chung cho đồng bào cả nước, Bác luôn quan tâm tới sự bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Rất nhiều lần Người phê phán những thái độ đối xử không tốt đối với phụ nữ như coi thường không tin tưởng chị em, tệ đánh vợ...Mỗi hội nghị, nếu có đại biểu nữ, Bác thường mời lên đầu, ân cần hỏi han đến chuyện gia đình con cái, đến cuộc sống và những khó khăn riêng của chị em. Bác không cho đoàn đại biểu của một tỉnh chụp chung ảnh với Bác vì trong đoàn không cử phụ nữ...Quyền lợi chính trị của chị em luôn được Bác chú ý. Bác nói Đảng và Chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện cân nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng.


Bác Hồ với chị em phụ nữ đồng bào dân tộc (Ảnh tư liệu)

Cần phải nói rằng không phải ai cũng có được một cái nhìn tiến bộ về phụ nữ như Bác. Suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những lời khen ngợi động viên, những đánh giá cao của người luôn là điểm tựa tinh thần lớn lao để phụ nữ nước ta hoàn thành nhiệm vụ. Tự hào thay khi Bác ca ngợi phụ nữ Việt Nam:

“Phụ nữ ta chẳng tầm thường
Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”.

Chúng ta thật xúc động khi nghe Bác nhận xét chị Nguyễn Thị Định - một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu: “phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho Miền Nam cho cả dân tộc!” Và Bác đã thay mặt cho Đảng, Nhà nước tặng phụ nữ Miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Không chỉ quan tâm đến quyền bình đẳng của nữ giới trong quan hệ xã hội mà Bác Hồ còn lo cho hạnh phúc của nữ giới trong quan hệ vợ chồng, Bác khuyên chị em ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình để tự đấu tranh giải phóng mình khỏi những ràng buộc phi lý kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Bác phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”.


Năm 1969, Bác Hồ tặng hoa phong lan cho các nữ chiến sĩ Quảng Bình (Ảnh tư liệu)

Trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, Bác Hồ kính yêu của dân tộc ta, người thầy vĩ đại của Đảng ta, đã để lại cho chúng ta bản Di chúc quý giá, trong đó có những dòng viết riêng cho phụ nữ Việt Nam "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ" (Di chúc).

Có thể nói rằng tư tưởng giải phóng phụ nữ, đem lại quyền bình đẳng cho phụ nữ của Bác có ý nghĩa hết sức lớn lao: tư tưởng ấy đã chỉ dẫn cho người phụ nữ Việt Nam, cổ vũ chị em trên con đường đấu tranh đi tới bình đẳng tự do cùng nhân loại tiến bộ. Tư tưởng ấy cũng cho mỗi chúng ta một bài học nhân văn: coi trọng con người, tất cả vì con người.

Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đã vận dụng và phát triển một cách toàn diện tư tưởng của Bác về bình đẳng giới trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay Đảng và nhà nước ta đang đồng thời triển khai hai đạo luật về: Bình đẳng giới và chống bạo hành gia đình chính là thực hiện tư tưởng của Bác Hồ trong sự nghiệp đổi mới – hội nhập, xây dựng một xã hội Việt Nam giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,292,562       1/711