Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh "Kỳ 24: Học tập Bác - Giản dị cả trong cách viết"

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi ngôn ngữ là công cụ đắc lực không thể thiếu để tuyên truyền, giác ngộ ý thức cách mạng, củng cố và nâng cao nhận thức xã hội trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân mà ai cũng phải "cố gắng học tập", "ra công rèn luyện" để nắm được đặc tính của nó và sử dụng nó một cách có hiệu quả nhất trong thực tiễn hoạt động cách mạng. Vì thế điều quan trọng khi viết, nói chính là làm sao cho người nghe, người đọc đễ hiểu và hiểu đúng vấn đề. Từ đó tác động lên người nghe, người đọc, làm họ thay đổi nhận thức, ý nghĩ, tình cảm, trên cơ sở đó, làm thay đổi hành vi của họ, hướng họ vào hành động theo nhận thức mới, đó chính là sự phong phú, đa dạng trong cách nói và cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nên giản dị và sâu sắc là phong cách nổi bật trong cách nói, cách viết của Bác.

Bác Hồ giản dị trong cả cách nói, cách viết. Một số người sính ngoại có những lời văn cầu kỳ khó hiểu, Bác nhắc nhở, phê bình ngay.


Bút tích đề tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn sổ vàng
của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc 9 năm 1949 (Ảnh: Internet)

Có lần Bác đọc bài bình luận về một trận đánh thắng ở chiến trường miền Nam. Bài bình luận viết: Đây là chiến thắng long trời lở đất. Bác cầm bút khoanh tròn trên mấy chữ “long trời lở đất” rồi phê vào bên: Thế thì Bác cháu ta ở đâu?

Ngày 01-02-1969, đồng chí Nguyễn Văn Tạo, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp được mời lên gặp Bác để thông qua bài viết về Tết trồng cây. Trong bài có câu: Tết trồng cây đã thành một mỹ tục của toàn dân ta. Bác đồng ý với nội dung, nhưng sửa lại: Đã thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta.

Một lần khác, Bác tới xem triển lãm hàng gốm sứ do trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp trưng bày. Bác khen hàng đẹp và hỏi: Có phải nhập nguyên liệu của nước ngoài không? Đồng chí Nguyễn Khang thưa:

- Thưa Bác, đại bộ phận là ở trong nước ạ.

Bác cười bảo: Sao chú không nói là phần lớn nguyên liệu mà lại nói là đại bộ phận?


Bác Hồ thăm làng gốm Bát Tràng (Ảnh:Internet).

Bác thường căn dặn: Tiếng nói, chữ viết của dân tộc ta rất giàu, rất đẹp, nếu thiếu thật mới đi mượn của nước ngoài, các chú cần chú ý.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ cách nói, cách viết đơn giản, mộc mạc nhưng là cơ sở để chúng ta thực hiện những ước nguyện lớn hơn trong sự nghiệp giáo dục, báo chí cũng như tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Như Nhà văn hóa Hà Huy Giáp nhận định: “Hồ Chủ tịch rất chú trọng cách viết. Người rất cẩn trọng ngay đến cách dùng một từ nhỏ, một dấu chấm câu, cách bố cục một bài viết. Hồ Chủ tịch là một nhà ngôn ngữ nghiêm khắc. Cũng như V.I.Lênin, Người dùng rất ít chữ, mà là những chữ đúng nhất, cần thiết nhất, để một viện sĩ hàn lâm đến người nông dân đều có thể hiểu được”./.

(Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,292,285       1/682